Góc nhìn Đại biểu tham dự HSMA 2024

 Share

Ngày 25 tháng 8 năm 2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị thường niên, Liên Chi hội Y học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã được tổ chức.

Tin và ảnh được chia sẻ bởi đại biểu Trần Thanh Lộc (HSAACI) tham dự HSMA 2024

Tham dự hội nghị có PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Liên Chi hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch-Lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh, BS Phan Vương Huy Đổng Chủ tịch Liên Chi hội Y học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng các báo cáo viên và hơn 300 đại biểu khách mời tham dự.

Các đại biểu tham dự hội nghị

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ ý kiến

Sau phiên toàn thể, phát biểu khai mạc của Chủ tịch Liên Chi hội Y học Thể dục Thể thao Thành phố, các đại biểu tham dự cũng chứng kiến lễ ký kết hợp tác đồng hành giữa Liên Chi hội Y học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Dược phẩm Đại Tín.

BS Phan Vương Huy Đổng, Chủ tịch Liên Chi hội Y học Thể dục Thể thao thành phố Hồ Chí Minh ký kết biên bản hợp tác với ông Nguyễn Luy Xít-đại diện Công ty Cổ phần Dược phẩm Đại Tín

Hội nghị được chia làm hai hội trường. Hội trường 1 với chủ đề “Các vấn đề trong tập luyện thể thao” với các chuyên đề: “Khó thở và đột tử do hô hấp ở vận động viên” của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, “đột tử do tim ở vận động viên” của BS Nguyễn Thành Đạt, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và “Lạm dụng các Steroids đồng hóa trong ngành thể hình” của Ths.BSCKI Nguyễn Khoa Bình, Bệnh viện Phương Nam, “Y học lối sống và góc nhìn dinh dưỡng trong thể thao” của Ths.BS Vương Thành Huấn, Đại học Austin Texas, Hoa Kỳ, “Góc nhìn của dinh dưỡng để tối ưu sức khỏe xương khớp và phục hồi gãy xương” của BS Đỗ Chí Thành, Đại học Nam Cần Thơ, “Đặc trưng và chiến lược phòng ngừa các chấn thương đối với vận động viên môn Golf” của TS Nguyễn Thị Thắm, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và “Độ chính xác và độ tin cậy của nghiệm pháp thăng bằng chi trên hình ngôi sao ở vận động viên bơi lội thiếu niên” của Ths Ngô Thành Luân, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Các đại biểu tham dự tại hội trường 1

Khó thở và đột tử do hô hấp ở vận động viên

Trình bày chuyên đề, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết, có hai vấn đề chính cần được quan tâm:

Thứ nhất, các nguyên nhân gây khó thở do hô hấp ở vận động viên.

Co thắt thanh quản khi vận động-Excersie-induced laryngeal Obstruction-EILO

Co thắt phế quản khi vận động Excersie induced Brochoconstriction-EIB

Hen do vận động Excersie induced Asthma

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan trình bày

Trình bày vấn đề thứ nhất, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan định nghĩa, EILO là hẹp đường dẫn khí vùng thanh quản xảy ra trong lúc vận động ở ngay 2 dây thanh hoặc ở trên dây thanh. Hiện tượng thường xảy ra ở thiếu niên và lực sĩ trẻ với tần suất khoảng 5-8%, nữ nhiều hơn nam.

PGS.TS.BS Lan cũng cho biết, các yếu tố gây co thắt phế quản bao gồm: giải phẫu học, thần kinh, yếu tố về hành vi và các yếu tố khác. Trong đó, hen suyễn, trào ngược dạ dày-thực quản chiếm tỷ lệ 48%, trào ngược hầu, thanh quản chiếm 75% và viêm mũi xoang.

Thứ hai, các nguyên nhân gây khó thở ở vận động viên

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan chia sẻ, đột tử do hô hấp chỉ chiếm 2%, các nguyên nhân khác bao gồm: Hen suyễn, co thắt đường thở, thuyên tắc phổi, hội chứng giảm thông khí, cao áp phổi, nhiễm trùng hô hấp.

Kết luận chuyên đề “khó thở và đột tử do hô hấp ở vận động viên”, PGS Tuyết Lan nhấn mạnh: khó thở do hô hấp ở vận động viên là một triệu chứng thường gặp, vận động viên cần được tầm soát và phòng ngừa trước, có phương pháp xử trí phù hợp khi khó thở ở do vận động và đề phòng đột tử do hô hấp.

Đột tử do tim ở vận động viên

BS Nguyễn Thành Đạt chia sẻ

Định nghĩa về “đột tử do tim ở vận động viên”, BS Nguyễn Thành Đạt cho biết, đây là cái chết tự nhiên, đột ngột, bởi tim mạch ở bệnh nhân có hoặc không có bệnh tim mạch trước đó, xảy ra trong vòng 1 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Bệnh nhân ngưng tim được cứu sống, được gọi là “đột tử do tim được ngăn chặn” (aborted SCD) hay ngưng tim đột ngột (SCA-sudden cardiac arrest).

Kết luận chuyên đề, BS Nguyễn Thành Đạt cho biết, tập luyện thể dục thể thao là liều thuốc tự nhiên quý giá giúp phòng ngừa bệnh lý cũng như làm tăng chất lượng cuộc sống. Mặc dù nguy cơ đột tử ở vận động viên cao hơn so với người bình thường cùng độ tuổi, tuy nhiên con số tuyệt đối là không nhiều. Tình trạng này có khả năng phòng ngừa được nếu cá nhân tập luyện nghỉ ngơi phù hợp, hạn chế tập luyện trong môi trường khắc nghiệt, tham vấn chuyên gia. Cần nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe thể thao, huấn luyện tốt các kỹ năng sơ cấp cứu ngưng tim cho cả cộng đồng, trang bị AED ở các sự kiện hoặc giải đấu đông người hoặc nguy cơ cao, tầm soát trước khi tập luyện hợp lý.

Lạm dụng các chất Steroid đồng hóa trong ngành thể hình

Trình bày chuyên đề, Ths.BSCKI Nguyễn Khoa Bình cho biết, Steroid đồng hóa-nam hóa (anabolic androgenic steroid-AAS) là một nhóm các hormone tự nhiên và tổng hợp cấu trúc hóa học chứa nhân Steroid và có tác dụng sinh học đồng hóa và nam hóa. Đồng hóa đề cập đến các đặc tính xây dựng cơ bắp của AAS, “nam hóa đề cập đến sự kích thích và duy trì các đặc điểm sinh dục phụ nam.

Các biến chứng của việc lạm dụng steroid đồng hóa này là hói đầu kiểu nam, đa hồng cầu, mụn,bướu tuyến tiền liệt, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý cơ tim, tổn thương gan, thận, suy sinh dục, vô sinh, nữ hóa tuyến vú.

Kết luận chuyên đề, Ths.BSCKI Nguyễn Khoa Bình cho biết, cùng với sự phát triển của ngành thể hình và các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, việc lạm dụng AAS ngoài mục tiêu y khoa tại Việt Nam sẽ ngày một phổ biến. Thực trạng này không thể tránh khỏi. Vì vậy, nhân viên y tế cần có cái nhìn khác với nhóm bệnh nhân này. Cơ chế gây các biến chứng rất đa dạng, liên quan nhiều chuyên khoa nên cần có sự đánh giá tổng quan và quan trọng nhất là chuẩn bị trước kiến thức về các vị trí có thể tổn thương.

Chia sẻ kinh nghiệm, Ths.BSCKI Nguyễn Khoa Bình khẳng định: “từ quá trình làm việc, tôi nhận thấy đây là nhóm bệnh nhân rất đặc biệt có một sự tự tin (cái tôi) rất cao, có kiến thức về sinh hóa, sức khỏe tốt. Do đó, nếu nhân viên y tế không trang bị kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này, sẽ không có sự hợp tác tốt dẫn đến điều trị kém hiệu quả hoặc bỏ điều trị. Đồng thời, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này ở Việt Nam còn rất ít, cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để có số liệu và kinh nghiệm phục vụ cho điều trị lâm sàng.”

Sau các phần chuyên đề trên, hội trường 1 bắt đầu vào phần thảo luận và kết thúc phiên làm việc.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan và hai báo cáo viên trả lời câu hỏi thảo luận của các đại biểu

Đại biểu đặt câu hỏi thảo luận với các báo cáo viên

Các báo cáo viên nhận quà lưu niệm của Ban Tổ chức


Bạn Có thể quan tâm